CÔNG TY LUẬT TNHH
THÁI DƯƠNG FDI HÀ NỘI

Dân sự & Hợp đồng – Những sai lầm khiến bạn mất trắng

Bàn về chi phí tố tụng khác và quyền khởi kiện lại vụ án dân sự (Phần 2)

  • cal 03/11/2023

Tiếp nối phần 1 của chủ đề về chi phí tố tụng khác và quyền khởi kiện lại vụ án dân sự, bài viết này sẽ đi sâu hơn vào các khía cạnh quan trọng khác về việc đối mặt với chi phí trong quá trình tố tụng và quyền của các bên trong vụ án dân sự khi họ muốn khởi kiện lại một lần nữa. Chúng ta sẽ tìm hiểu về những khoản chi phí không thường gặp và làm thế nào để họ có thể ảnh hưởng đến quyết định kiện cáo và khởi kiện lại vụ án. Bằng cách nắm vững thông tin này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về quá trình tố tụng và quyền của mình trong hệ thống pháp lý.

Quy định của pháp luật về quyền khởi kiện lại vụ án dân sự

Chi phí tố tụng là số tiền cần thiết và hợp lý mà đương sự phải nộp theo yêu cầu của Tòa án trước khi thụ lý vụ án, trong quá trình tiến hành tố tụng và kết thúc vụ án chuyển sang giai đoạn thi hành án được pháp luật quy định, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của đương sự với yêu cầu khởi kiện của mình. Các chi phí tố tụng bao gồm: (i) Án phí, lệ phí (Điều 1 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Mục 1 Chương IX Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) được thu nhằm mục đích bù đắp một phần chi phí mà Nhà nước đã sử dụng cho hoạt động chung của Tòa án để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước, xác lập quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự. (ii) Các chi phí tố tụng khác (Mục 2 Chương IX Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) là những chi phí không phải là án phí hay lệ phí và chỉ bao gồm các loại chi phí như sau: Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài; chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định (Điều 169 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) được thu nhằm mục đích chi trả cho cá nhân, hội đồng (nhóm người), tổ chức có nhiệm vụ, chức năng chuyên môn thực hiện các thủ tục tố tụng và xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án. (iii) Tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, tạm ứng chi phí tố tụng khác là số tiền mà Tòa án tạm tính, yêu cầu đương sự phải nộp để thực hiện các thủ tục tố tụng như thụ lý, ủy thác tư pháp, định giá… làm căn cứ giải quyết vụ án.

Trường hợp đương sự không nộp hoặc nộp không đủ và đúng thời hạn một trong các tạm ứng chi phí tố tụng này thì theo quy định tại điểm đ, g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án đều ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án giữa điểm đ và điểm g trong cùng khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại có sự khác biệt và ảnh hưởng lớn đến đương sự là đó là quyền khởi kiện lại vụ án. Cụ thể:

Tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Theo đó, quyền được khởi kiện lại đối với vụ án đã có quyết định đình chỉ, thuộc các trường hợp được liệt kê như sau: (i) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. (ii) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại. (iii) Đã có đủ điều kiện khởi kiện. (iv) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. (v) Các trường hợp khác theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.

Đối với trường hợp (iii) thì tại điểm d khoản 1 và điểm c khoản  3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã cho phép người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án khi người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án bởi nhiều lý do, trong đó, đương sự có khó khăn về kinh tế không thể nộp đủ, đúng trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án (khoản 2 Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Mặt khác, ngày 30/12/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý đối với cá nhân là người yếu thế thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án… Điều này bảo đảm rằng, mọi người đều có cơ hội yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tăng cường tính dân chủ, công bằng trong xã hội mà không bị hạn chế bởi yếu tố tài chính.

Tuy nhiên, đối với trường hợp đương sự có khó khăn về tài chính như đã nêu trên, vụ án đã được thụ lý nhưng đương sự không thể nộp đủ và đúng thời gian số tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác, Tòa án cũng không thể đợi được đến khi đương sự có đủ tiền để nộp vì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định thời hạn giải quyết vụ án và tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự khác. Cho nên, buộc Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, trường hợp này, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tác giả cho rằng, quy định này có mặt hạn chế và chưa hợp lý, bởi số tiền tạm ứng chi phí tố tụng khác buộc phải nộp theo yêu cầu của Tòa án đa phần đều lớn hơn số tiền tạm ứng án phí và số tiền tạm ứng chi phí tố tụng khác này thì không thể được miễn, giảm vì nó khác với mục đích thu chi so với án phí, lệ phí Tòa án. Như vậy, vô hình chung sẽ tạo ra tình trạng không công bằng khi đương sự không thể yêu cầu Tòa án một lần nữa bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình và mâu thuẫn với các nguyên tắc quy định tại điều 4, 5, 8, 9 Bộ luật Tố tụng dân sự hướng đến.

Vì vậy, tác giả đề xuất, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau: Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c, đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

 

Chi tiết xin liên hệ: Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội

Điện thoại: 0866 222 823

Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com

Website: https://luatthaiduonghanoi.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi

Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội


Bài viết liên quan