CÔNG TY LUẬT TNHH
THÁI DƯƠNG FDI HÀ NỘI

Hình sự phức tạp – Khi tự bào chữa là con dao hai lưỡi

Người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản mình thì làm thế nào?

  • cal 02/11/2023

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách xử lý khi người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của bạn. Điều này có thể xảy ra và đòi hỏi bạn phải hành động một cách hợp pháp và trách nhiệm. Chúng ta sẽ xem xét các bước cần thiết để giải quyết tình huống này, bao gồm việc liên hệ với người chuyển tiền, ngân hàng, và tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về quy trình xử lý khi người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của bạn và tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật trong việc giải quyết tình huống này.

Người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản mình thì làm thế nào?

Khi nhận được tiền từ người lạ chuyển khoản bạn tuyệt đối không được rút ra tiêu dùng mà hãy lên báo với ngân hàng về giao dịch chuyển khoản lạ đó nếu số tài khoản đó là của người lạ, không phải là người mà bạn quen. Sau khi ngân hàng xác minh được người chuyển nhầm, họ sẽ nhờ bạn chuyển ngược lại số tiền bên kia chuyển nhầm, bạn chuyển lại là xong.

Do đó, khi nhận được một số tiền lớn chuyển vào tài khoản, các bạn không động đến nó. Nếu có người gửi nhầm thật họ sẽ chuyển khoản tiếp khoảng 2-3 lần với nội dung chuyển khoản là thông báo chuyển khoản nhầm kèm SĐT để mình liên lạc lại. Bạn có thể liên hệ để xác minh thông tin.

Tiếp theo, bạn ra ngân hàng thực hiện “Tra soát“. Nếu số tài khoản ngân hàng báo đúng với số tài khoản họ đã chuyển nhầm cho mình kèm thông tin khớp thì có thể xác nhận họ đúng là người chuyển nhầm, bạn hãy thực hiện chuyển khoản lại. Lưu ý: Không chuyển khoản sang số Tài khoản thứ 3 không rõ danh tính và nguồn gốc.

Nếu người chuyển nhầm là người quen, bạn có thể xác minh với họ và chuyển hoàn lại đơn giản hơn.

Cách xử lý khi chuyển tiền nhầm tài khoản

Khi chuyển tiền qua tài khoản, không ít các trường hợp chuyển nhầm do nhầm lẫn số tài khoản, bởi số tài khoản của các ngân hàng khác nhau, có dãy số ngắn thì dễ nhớ hơn dãy số dài. Chỉ cần nhập nhầm 1 chữ số đã sang tài khoản của người khác. Hơn nữa, nhiều trường hợp ngẫu nhiên, nhập sai số tài khoản nhưng vẫn hiện ra tên người dùng tương tự như tên người mà mình muốn chuyển khoản nên cũng dễ nhầm lẫn. Khi phát hiện ra chuyển khoản nhầm, bạn đọc cần thực hiện theo hướng dẫn sau:

Trường hợp chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng: 

Chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng được hiểu là tài khoản nhận đang cùng hệ thống với ngân hàng bạn gửi tiền. Ví dụ, bạn sử dụng ngân hàng VP Bank và gửi tiền nhầm sang chủ thẻ VP Bank. Vậy thì sẽ có các bước thực hiện như sau.

Bước 1: Kiểm tra và chụp ảnh lại giao dịch đã chuyển nhầm rồi đi đến chi nhánh ngân hàng bạn đang sử dụng.

Bước 2: Tới ngân hàng hãy thông báo với nhân viên về việc bạn đã chuyển khoản nhầm tiền cho người khác.

Bước 3: Cung cấp các thông tin cá nhân và điền vào mẫu đơn khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu.

Bước 4: Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với người nhận và yêu cầu họ trả lại tiền cho bạn.

Lưu ý: Thời gian nhận được tiền sẽ khá lâu do ngân hàng phải liên hệ và làm việc với người nhận.

Trường hợp chuyển nhầm tài khoản khác ngân hàng: 

Trong trường hợp bạn gửi nhầm tiền sang một tài khoản khác ngân hàng thì việc lấy lại tiền sẽ khó hơn, nhưng cơ hội là vẫn còn. Các thao tác làm việc với ngân hàng như sau:

Bước 1: Ngay sau khi phát hiện bị chuyển tiền nhầm tài khoản, bạn cầm theo chứng minh thư của mình tới ngân hàng mình đang sử dụng để giải quyết.

Bước 2: Tới ngân hàng hãy thông báo với nhân viên về việc bạn đã chuyển khoản nhầm tiền cho người khác.

Bước 3: Ngân hàng sẽ tiến hành các bước kiểm tra, rà soát. Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với ngân hàng chủ quản chuyển nhầm để thông báo cho chủ tài khoản đó xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, với trường hợp này, thời gian nhận lại được tiền sẽ rất lâu bởi còn tùy thuộc vào mức độ làm việc của hai bên ngân hàng.

Sử dụng tiền của người khác chuyển nhầm vào tài khoản bị xử lý như thế nào?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, việc không trả lại số tiền bị chuyển nhầm sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật.

Trong đó, Điều 579 Bộ Luật Dân sự nêu rõ, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, khi được người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản, người nhận nên liên hệ với ngân hàng để giải quyết để tránh vi phạm pháp luật.

Theo Bộ Công an, khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015. 

Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

– Theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng. 

Điểm b khoản 4 Điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.

– Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10-200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1-5 năm.

Nguyên nhân chính khiến chuyển tiền nhầm tài khoản

Chuyển tiền sai tên người nhận

Sai tên người nhận là một nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến việc chuyển tiền nhầm tài khoản. Sai tên người nhận xảy ra khi người dùng tự nhập thủ công và nhập nhầm họ tên đầy đủ, hoặc một ký tự nào đấy trong tên người nhận, dẫn đến thông tin không trùng khớp với số tài khoản. Sai tên người nhận cũng có thể do quy định nhập tên không dấu của nhiều ngân hàng.

Thông thường, khi nhập sai tên người thụ hưởng, lệnh chuyển tiền bị sai thì tiền sẽ tự động trả về tài khoản. Nếu sau vài ngày vẫn chưa thấy hoàn tiền, có nghĩa là nguồn tiền đó đang bị treo.

Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề này, một số ngân hàng lớn đã nâng cấp hệ thống, tự động truy xuất tên tài khoản theo số tài khoản. Nên trường hợp sai tên người nhận ít xảy ra hơn trước.

Chuyển tiền nhầm số tài khoản ngân hàng

Số tài khoản là một dãy số dài (có thể bao gồm cả chữ và số), nên việc xảy ra nhầm lẫn khi nhập số tài khoản ngân hàng là điều thường thấy. Việc nhập sai số tài khoản sẽ dẫn đến 2 khả năng có thể xảy ra:

– Thứ nhất, chuyển nhầm tiền vào tài khoản không tồn tại, hệ thống báo lỗi sai số tài khoản và lệnh chuyển tiền không được thành lập. Khách hàng cần nhập lại lần nữa dãy số đúng.

– Thứ hai, sai số tài khoản nhưng hệ thống truy xuất ra một tên người dùng tương ứng với số bị sai đó và thành lập lệnh chuyển tiền. Lúc này nếu người dùng chủ quan không kiểm tra lại tên người thụ hưởng thì sẽ dẫn đến chuyển tiền nhầm tài khoản người khác.

Chuyển tiền sai ngân hàng

Một số trường hợp các ngân hàng có tên gọi gần giống nhau dễ xảy ra nhầm lẫn. Hoặc trong lúc thao tác, quý khách lựa chọn ngân hàng theo các trường thông tin hiện ra vô tình chọn nhầm,… Những điều này sẽ dẫn đến sai ngân hàng chuyển đích.

Chuyển nhầm số tiền

Chuyển nhầm số tiền là trường hợp rất phổ biến. Trường hợp này xảy ra khi nhập số tiền cần chuyển, nhập dư số 0 dẫn đến sai mệnh giá muốn chuyển đi, ví dụ 1.000.000 thành 10.000.000.

 

Chi tiết xin liên hệ: Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội

Điện thoại: 0866 222 823

Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com

Website: https://luatthaiduonghanoi.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi

Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội


Bài viết liên quan