Tôi kết hôn được 3 năm và có một con trai 8 tháng tuổi. Hiện nay, tôi và chồng có mâu thuẫn trầm trọng, không thể hòa giải được. Tôi muốn ly hôn nhưng chồng tôi không đồng ý. Tôi muốn hỏi, trong trường hợp này, tôi có thể ly hôn mà không cần sự đồng ý của chồng hay không? Nếu có thì thủ tục thực hiện như thế nào? Tôi có được quyền nuôi con nhỏ hay không?
Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có thể đơn phương ly hôn trong trường hợp sau:
– Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình;
– Khi một người vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài;
– Vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích;
– Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do người còn lại gây nên.
Do đó, trong trường hợp của bạn, nếu bạn có một trong những căn cứ cho rằng chồng mình thuộc vào 1 trong các trường hợp trên thì bạn không cần sự đồng ý của chồng để ly hôn.
Thủ tục đơn phương ly hôn theo quy định pháp luật hiện hành được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
– Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
– Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
– Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).
Thực tế cho thấy, khi vợ hoặc chồng không đồng ý ly hôn thì họ có thể gây khó dễ bằng việc giữ những giấy tờ cần thiết cho việc ly hôn. Khi đó, có thể xử lý như sau:
– Liên hệ công an cấp xã, phường nơi người yêu cầu cư trú để xin xác nhận đang ở tại địa phương nếu thiếu hộ khẩu;
– Liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao từ sổ gốc. Nếu còn giữ bản sao chứng thực thì có thể nộp thay thế nhưng phải nêu rõ lý do vì sao không thể nộp bản chính trong đơn ly hôn nếu bị giữ giấy đăng kí kết hôn;
– Thiếu Chứng minh nhân dân: Có thể thực hiện theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế;
– Thiếu giấy khai sinh của con: Liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao…
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người có yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên cùng với đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu) nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi cư trú của người còn lại, căn cứ quy định tại Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện
Bước 3: Giải quyết yêu cầu ly hôn
Sau khi nhận được đơn ly hôn, trong 05 ngày làm việc, Tòa án sẽ xem xét và quyết định thụ lý. Nếu hồ sơ hợp lệ, Tòa án gửi thông báo đóng tiền tạm ứng án phí.
Sau khi người yêu cầu đóng tiền tạm ứng án phí, trước khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải trừ trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải.
Bước 4: Ra bản án ly hôn
Nếu hòa giải không thành, Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Nếu xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án ra bản án ly hôn, quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng sẽ chấm dứt tại thời điểm bản án này có hiệu lực pháp luật.
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thái Dương FDI cho trường hợp của bạn. Việc đơn phương ly hôn là hoàn toàn có thể làm được nếu bạn có đủ các căn cứ, các hồ sơ theo quy định của pháp luật
Chi tiết xin liên hệ:
Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội