CÔNG TY LUẬT TNHH
THÁI DƯƠNG FDI HÀ NỘI

Tư vấn đầu tư

Ưu và nhược điểm của hình thức đầu tư – Thành lập tổ chức kinh tế mới

  • cal 23/03/2022

 

Hiện nay, các hình thức đầu tư tại Việt Nam được quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020 và mỗi một hình thức đầu tư đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Trong trường hợp khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư vàoViệt Nam, và đang mong muốn lựa chọn hình thức đầu tư là thành lập tổ chức kinh tế mới. Vậy ưu nhược điểm của hình thức này như sau:

1. Hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới

Hình thức đầu tư thành lập doanh nghiệp mới nói riêng, thành lập tổ chức kinh tế mới nói chung được quy định chi tiết tại Điều 22 Luật Đầu tư năm 2020. Theo đó, Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này.

Theo đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn thành lập tổ chức kinh thế theo các hình thức sau: công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan mà không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư, trước khi thành lập doanh nghiệp mới, nhà đầu tư phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp mới để triển khai dự án đầu tư và tiến hành các hoạt động kinh doanh.

2. Ưu và nhược điểm của hình thức đầu tư này

2.1 Ưu điểm:

+ Doanh nghiệp mới được thành lập tại Việt Nam sẽ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được thừa nhận là một chủ thể pháp lý độc lập, được nhân danh mình tham gia các giao dịch với Bên thứ ba trong quá trình hoạt động kinh doanh, dễ tạo được sự tin cậy từ đối tác.

+ Nhà đầu tư không bị giới hạn quy mô đầu tư và tỷ lệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp. Trong trường hợp có đối tác cùng thực hiện dự án thì lợi nhuận, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp của mỗi bên nên đảm bảo được tính công bằng. Trường hợp nhà đầu tư sở hữu 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp mới thì sẽ được toàn quyền quyết định các vấn đề trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

2.2 Nhược điểm:

+ Trước khi thành lập doanh nghiệp mới, nhà đầu tư phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giấy CNĐKĐT), vì vậy giấy tờ và thủ tục phải hoàn thiện tương đối phức tạp.

+ Do phải thành lập doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư nên sẽ phải mất chi phí để vận hành doanh nghiệp. Ngoài ra, sau khi kết thúc dự án đầu tư thì nhà đầu tư lại phải thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp, gây tốn kém về chi phí, thời gian và công sức.

+ Hoạt động của dự án từ khi thành lập, vận hành và kết thúc sẽ phải chịu sự điều chỉnh đồng thời của nhiều chế định pháp luật khác nhau như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

+ Trong trường hợp thành lập Doanh nghiệp mới có sự góp vốn của các thành viên, cổ đông khác, Nhà đầu tư có thể sẽ phải phụ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề về dự án, làm giảm độ linh hoạt của nhà đầu tư trong các quyết định đầu tư của mình.

3. Quy trình đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế mới

3.1 Thực hiện thủ tục xin Chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Trước khi thành lập tổ chức kinh tế (hay còn gọi là doanh nghiệp), nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật đầu tư 2020:

– Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật đầu tư 2020, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

– Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định sau đây:

+ Nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư;

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2020;

b) Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư thông qua tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 22, trừ trường hợp đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hoặc đầu tư theo hợp đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:

a) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

b) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;

c) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3.2 Thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài

Được quy định tại Điều 63 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp thực hiện thủ tục như sau:

a) Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định;

b) Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điểm a Khoản này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế để triển khai dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh.

Bước 2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác ngoài hồ sơ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế; không xem xét lại nội dung đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cụ thể hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài như sau:

Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ để thành lập doanh nghiệp

– Hồ sơ thành lập công ty TNHH:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên.
  • Bản sao các giấy tờ sau đây:
  • Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
  • Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức
  • Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.

– Hồ sơ thành lập công ty cổ phần

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (danh sách người đại diện theo ủy quyền nếu có)
  • Bản sao các giấy tờ sau đây:
  • Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
  • Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức
  • Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.

* Lưu ý:  Vốn điều lệ của doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án đầu tư không nhất thiết phải bằng vốn đầu tư của dự án đầu tư. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này thực hiện góp vốn và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Chi tiết xin liên hệ:

Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội

Điện thoại: 0866 222 823

Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com

Website: https://luatthaiduonghanoi.com / http://luatsugioivietnam.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi

Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội


Bài viết liên quan