Chiếc tivi là tài sản chung của vợ chồng anh N, chị V. Để trả món nợ đã vay đến hạn, không bàn bạc với chồng, chị V tự ý bán chiếc tivi cho anh H. Giao dịch này có được pháp luật công nhận không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Như vậy, theo quy định nêu trên, chị V được coi là có quyền thực hiện việc bán chiếc tivi đó, giao dịch mua bán giữa chị V và anh H được pháp luật công nhận.
Tài sản chung của vợ chồng bao gồm những tài sản nào? Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó có được coi là tài sản chung không? Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung của vợ chồng.
Theo Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
– Bất động sản;
– Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
– Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Chị B muốn mở cửa hàng bán quần áo để tăng thu nhập cho gia đình nhưng anh T – chồng chị B không đồng ý. Vì vậy, chị B đòi chia một phần tài sản chung để chị lo liệu mở cửa hàng. Hai vợ chồng mâu thuẫn vì không thống nhất được với nhau. Xin hỏi, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có được chia tài sản chung không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ một số trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu theo quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, trong trường hợp trên, trước hết chị B nên thuyết phục chồng đồng ý với nguyện vọng chính đáng của mình, nếu không thỏa thuận được với chồng về việc chia một phần tài sản chung, chị B có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Chi tiết xin liên hệ:
Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
• Điện thoại: 0866 222 823
• Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com / http://luatsugioivietnam.vn/
• Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
• Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội