CÔNG TY LUẬT TNHH
THÁI DƯƠNG FDI HÀ NỘI

Tư vấn khác

Chở quá số người quy định xe ô tô xử lý thế nào?

  • cal 02/11/2023

Vấn đề về việc chở quá số người quy định trên xe ô tô không chỉ là một hành vi vi phạm luật giao thông, mà còn đặt ra những rủi ro đáng lo ngại cho an toàn của cả người lái và hành khách. Trong trường hợp này, nếu bạn đã vi phạm quy định về sự chở quá số lượng người được phép trên xe, thì cách xử lý sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm quy định của pháp luật tại địa phương và quyền hạn của cơ quan thi hành pháp luật. Đoạn văn dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách xử lý phổ biến cho trường hợp này và những quyền lợi cơ bản của người vi phạm.

Xe ô tô được phép chở tối đa bao nhiêu người?

Theo điểm d khoản 1 Điều 68 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH13 thì người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành quy định:

Không chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định.

Đối chiếu với khoản 2 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về mức phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông chở quá số người quy định thì xe ô tô chở khách, chở người được phép chở thêm người mà không bị phạt trong trường hợp:

Loại xe Số người được phép chở quá
Xe đến 9 chỗ Chở quá 01 người. Từ người thứ 02 sẽ bị xử phạt
Xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ Chở quá 02 người. Từ người thứ 03 sẽ bị xử phạt
Xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ Chở quá 03 người. Từ người thứ 04 sẽ bị xử phạt
Xe trên 30 chỗ Chở quá 04 người. Từ người thứ 05 sẽ bị xử phạt

Chở quá số người quy định xe ô tô bị phạt thế nào?

Mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô

Điều 23 Nghị định 100/2019, sửa đổi bởi khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô, xe khách chở quá số người như sau:

STT Phương tiện Hành vi Mức phạt
1 Ô tô chở khách

Ô tô chở người(chạy tuyến có cự ly nhỏ hơn 300km)

– Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ

– Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ

– Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ

– Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ

400.000 đồng – 600.000 đồng/mỗi người vượt quá

Phạt tối đa 75 triệu đồng

2 Ô tô chở khách

Ô tô chở người(chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300km)

– Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ

– Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ

– Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ

– Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ

01 – 02 triệu đồng/mỗi người vượt quá

Phạt tối đa 75 triệu đồng

Như vậy theo quy định hiện hành đối với trường hợp mà bạn đề cập thì hành vi chở quá số người quy định có thể bị xử phạt từ 400.000 đồng đến tối đa 75 triệu đồng theo quy định. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như:

– Trường hợp chở vượt trên 50% đến 100% số người quy định bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

– Trường hợp chở vượt trên 100% bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng. Và buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định.

Mức phạt đối với chủ xe

Ngoài việc người điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt về lỗi chở quá số người quy định thì chủ phương tiện giao thông giao xe hoặc cho người làm công, người đại diện điều khiển ô tô, xe khách chở quá số người quy định thì cũng bị chịu xử phạt theo quy định.

Cụ thể các mức phạt đối với chủ phương tiện giao thông như sau:

– Đối với xe ô tô chở hành khách, xe ô tô chở người và các loại xe tương tự (chạy tuyến cự ly nhỏ hơn 300km) chở quá số người

+ Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân;

+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 150.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Khoản 3 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

– Đối với xe ô tô chở hành khách, xe ô tô chở người và các loại xe tương tự (chạy tuyến cự ly trên 300km) chở quá số người quy định:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân;

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 150.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Một số trường hợp được phép chở quá số người quy định

Theo luật định, vẫn có những trường hợp mà người điều khiển xe máy, xe gắn máy được phép chở quá 01 người so với quy định. Căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 của  Quốc hội về quy tắc an toàn giao thông đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy.

Chở thêm trẻ em dưới 14 tuổi hoặc người bệnh đi cấp cứu là được phép

Theo Điều 30 thì người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy được phép chở tối đa 02 người ngồi sau trong những trường hợp đặc biệt dưới đây:

  • Chở người bệnh đi cấp cứu;
  • Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
  • Trẻ em dưới 14 tuổi.

Áp dụng Điều 23 luật xử lý vi phạm hành chính quy định:

“Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức tiền phạt đối với người điều khiển xe mô tô chở theo 02 người trên xe, mà không thuộc trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật là 250.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Các hình thức nộp phạt vi phạm giao thông

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Khoản 16 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau:

  • Nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại; nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt.
  • Nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
  • Nộp trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Trường hợp xử phạt hành chính không lập biên bản (áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ). Tại vùng sâu; vùng xa; biên giới; miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt.
  • Nộp vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích (Ví dụ như Bưu điện).
  • Nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cách nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến

Từ ngày 13/3/2020, trên Cổng dịch vụ công quốc gia, người vi phạm giao thông có thể nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và rút bớt các thủ tục rườm rà cho người vi phạm.

Bước 1: Truy cập cổng dịch vụ công quốc gia dichvucong.gov.vn;

Bước 2: Kích vào phần Thanh toán trực tuyến, chọn tiếp Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính và chọn Tra cứu, thanh toán vi phạm giao thông

Bước 3: Điền các thông tin theo yêu cầu.

Bước 4: Chọn ngân hàng để thực hiện nộp phạt và làm theo hướng dẫn để nộp phạt số tiền vi phạm trong biên bản; Bước 5: Sau khi thanh toán thành công, người nộp phạt có thể chọn nhận lại giấy tờ tại nơi ra quyết định xử phạt hoặc qua đường bưu điện.

Thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông

Theo Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại; khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người vi phạm sẽ phải nộp phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì bạn phải thực hiện theo thời hạn đó.

 

Chi tiết xin liên hệ: Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội

Điện thoại: 0866 222 823

Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com

Website: https://luatthaiduonghanoi.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi

Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội


Bài viết liên quan