Việc áp dụng pháp luật để xét xử có những khác biệt cơ bản với việc thi hành pháp luật chung. Việc thi hành pháp luật chung chủ yếu là việc chấp hành, tuân theo quy định của pháp luật đang có hiệu lực hiện hành. Vậy cần lưu ý những vấn đề gì khi áp dụng luật.
Đó thường là các quy định của pháp luật hình sự. Một nội dung quan trọng của chính sách hình sự phù hợp với chính sách nhân đạo, tiến bộ là không áp dụng quy định mới nặng hơn với những hành vi đã xảy ra trước đó và áp dụng sớm những quy định có lợi cho bị can, bị cáo. Những quy định có lợi cho bị can, bị cáo thường được áp dụng ngay từ khi công bố chứ không phải chờ đến khi luật mới có hiệu lực. Chính vì vậy, trong việc áp dụng pháp luật hình sự thì thời điểm “công bố luật” cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
Ví dụ: Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì người tham gia đánh bạc với mức tiền từ 2 triệu đồng trở lên là phải chịu trách nhiệm hình sự (phạm tội đánh bạc). Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người tham gia đánh bạc với mức tiền 5 triệu đồng trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 được công bố ngày 19/12/2015 và ngày có hiệu lực là ngày 01/01/2018. Kể từ ngày bộ luật hình sự mới được công bố, 2 năm tiếp theo tuy chưa có hiệu lực nhưng quy định mới về mức tiền 5 triệu đồng là quy định có lợi cho những người có hành vi đánh bạc nên nếu họ đã tham gia với mức tiền 2 triệu đồng trở lên nhưng chưa tới 5 triệu đồng thì họ không bị kết tội đánh bạc. Quy định này được áp dụng cho cả những người đã tham gia đánh bạc trước ngày công bố luật mới mà sau ngày công bố luật mới mới bị phát hiện hoặc bị xem xét xử lý.
Pháp luật dân sự là loại điển hình thuộc diện pháp luật đã hết hiệu lực vẫn phải áp dụng. Khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực”. Khi giải quyết tranh chấp, Tòa án phải xác định ai đã xử sự hợp pháp, ai vi phạm pháp luật, một chủ thể phải chịu hậu quả thế nào về xử sự của họ. Đế xác định những vấn đề này phải căn cứ vào pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi. Những hành vi xảy ra đã lâu, nay mới có tranh chấp, cần xem xét tính hợp pháp thì phải áp dụng pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi mặc dù pháp luật này đã không còn hiệu lực ở thời điểm xem xét.
Ví dụ: Một người lập di chúc vào năm 1995, đã chết năm 2000, nay các thừa kế mới tranh chấp thừa kế tài sản. Để xác định di chúc có hợp pháp không phải căn cứ vào pháp luật thừa kế ở thời điểm lập di chúc (1995) là Pháp lệnh Thừa kế chứ không thể áp dụng pháp luật thừa kế ở thời điểm tranh chấp (2019) là Bộ luật Dân sự năm 2015; mặc dù Pháp lệnh Thừa kế đã hết hiệu lực từ khi có Bộ luật Dân sự năm 1995 thay thế (01/7/1996).
Pháp luật hình sự cũng có trường hợp phải áp dụng pháp luật cũ đã hết hiệu lực. Đó là trường hợp pháp luật quy định trách nhiệm pháp lý mới hoặc trách nhiệm nặng hơn thì chỉ được áp dụng pháp luật cũ. Ví dụ: Một người có hành vi phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vào năm 1990 và trốn tránh đến năm 2010 mới bị phát hiện và đưa ra xét xử thì chỉ được áp dụng pháp luật ở thời điểm phạm tội (có mức hình phạt tối đa là 12 năm tù theo Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 1985) chứ không thể áp dụng pháp luật ở thời điểm xét xử với quy định nặng hơn (Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định xử phạt đến tù chung thân).
Khi xét xử các vụ án hành chính, Tòa án cũng thường xuyên phải áp dụng pháp luật cũ. Đó là những văn bản pháp quy về quản lý hành chính ở thời điểm ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính, mặc dù ở thời điểm xét xử thì những văn bản pháp quy này đã hết hiệu lực.
Chi tiết xin liên hệ: Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội