CÔNG TY LUẬT TNHH
THÁI DƯƠNG FDI HÀ NỘI

Tư vấn khác

Lưu ý về áp dụng các văn bản hướng dẫn thi hành luật

  • cal 03/11/2023

Bài viết này sẽ tập trung vào việc đưa ra các lưu ý quan trọng về việc áp dụng các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Chúng ta sẽ thảo luận về vai trò của các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong hệ thống pháp lý, cũng như cách chúng có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện luật và quyền của các bên liên quan. Ngoài ra, chúng ta sẽ nêu rõ những rủi ro và thách thức có thể xuất hiện khi sử dụng các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bằng cách hiểu rõ cách áp dụng và đối diện với các văn bản này, bạn sẽ có cái nhìn sâu hơn về quá trình thực hiện pháp luật và đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong hệ thống pháp lý

Hiệu lực của văn bản

Khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Tuy nhiên, pháp luật áp dụng là pháp luật tương ứng ở thời điểm thực hiện hành vi nên đã áp dụng luật cũ thì cũng đương nhiên phải áp dụng hướng dẫn thi hành luật cũ.

Ví dụ: Giải quyết tranh chấp việc mua bán nhà ở vào năm 2000 thì phải áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 (có hiệu lực từ 01/7/1996 đến 31/12/2005). Khi xem xét vấn đề đặt cọc thì phải áp dụng văn bản hướng dẫn thi hành Điều 363 của Bộ luật Dân sự năm 1995 là Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003.

Trong một văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành thường quy định nhiều vấn đề, cả về pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng. Do đó, các vấn đề trong văn bản hướng dẫn cũng có thời điểm hết hiệu lực khác nhau tương ứng với văn bản quy phạm pháp luật được hướng dẫn.

Ví dụ: Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là văn bản hướng dẫn áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Trong văn bản này có cả một số quy định về tố tụng như quy định nếu hòa giải đoàn tụ thành thì phải ra quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành. Quy định này không còn hiệu lực ở thời điểm Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 có hiệu lực (01/01/2005). Theo quy định của Bộ luât Tố tụng thì khi hòa giải đoàn tụ thành sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, những quy định khác của Nghị quyết để hướng dẫn áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực (01/01/2015).

Văn bản được hướng dẫn hết hiệu lực thì văn bản hướng dẫn cũng hết hiệu lực. Tuy vậy, quy định của pháp luật mới không khác với quy định cũ thì nội dung hướng dẫn cũ vẫn có giá trị tham khảo thi hành.

Ví dụ: Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003. Khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (01/7/2014) thì Luật Đất đai năm 2003 hết hiệu lực, các nội dung của Nghị quyết hướng dẫn Luật Đất đai năm 2003 cũng hết hiệu lực. Tuy nhiên, nội dung của Nghị quyết hướng dẫn xác định chênh lệch giá (giữa thời điểm giao dịch với thời điểm giải quyết tranh chấp) là một khoản thiệt hại phải bồi thường không trái với quy định nào của luật mới nên nội dung hướng dẫn này vẫn tiếp tục được áp dụng.

Xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn

Lần đầu tiên pháp luật có quy định về việc phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình Tòa án giải quyết tranh chấp. Đó là quy định tại Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Những văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị là một trong các loại sau:

– Có dấu hiệu trái Hiến pháp;

– Có dấu hiệu trái với luật, nghị quyết của Quốc hội;

– Có dấu hiệu trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

– Có dấu hiệu trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Trình tự kiến nghị là: Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử báo cáo Chánh án Tòa án đang giải quyết. Chánh án Tòa án đang giải quyết đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.

Trong thời hạn một tháng kể từ khi có kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao mà không có trả lời bằng văn bản thì Tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để tiếp tục giải quyết vụ án.

Riêng trong tố tụng hành chính thì Chánh án Tòa án các cấp có quyền trực tiếp kiến nghị đối với các văn bản quy phạm pháp luật được quy định phân cấp theo Điều 112 Luật Tố tụng hành chính.

 

Chi tiết xin liên hệ: Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội

Điện thoại: 0866 222 823

Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com

Website: https://luatthaiduonghanoi.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi

Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội


Bài viết liên quan