CÔNG TY LUẬT TNHH
THÁI DƯƠNG FDI HÀ NỘI

Tư vấn Luật Dân sự

Quyết định hành chính

  • cal 05/03/2023

1. Khái quát chung về quyết định hành chính, hành vi hành chính

Trong hoạt động của Nhà nước, các cơ quan hành chính Nhà nước là cơ quan thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tổ chức, cá nhân nhiều nhất. Ngược lại, các tổ chức, cá nhân cũng tiếp xúc với cơ quan hành chính nhà nước, các nhân viên Nhà nước nhiều nhất. Điều đó có nghĩa, trong hoạt động hàng ngày, các cơ quan hành chính Nhà nước, nhân viên thường xuyên giải quyết các vấn đề liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan tổ chức.

Bên cạnh những quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý hoặc trực tiếp đem lại cho các tổ chức, công dân những quyền và lợi ích hợp pháp thì cũng còn không ít những quyết định hành chính, hành vi hành chính bất hợp pháp xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khi những quyền và lợi ích đó bị xâm phạm thì cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền khiếu nại những quyết định hành chính, hành vi hành chính đó để đòi lại sự công bằng cho mình.

2. Quyết định hành chính

2.1 Khái niệm và đặc điểm của quyết định hành chính

2.1.1 Khái niệm 

Từ góc độ khoa học, quyết định hành chính được hiểu là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những người có chức vụ, các tổ chức và cá nhân được nhà nước trao quyền, được thực hiện trên cơ sở và để thi hành pháp luật, theo trình tự và hình thức do pháp luật quy định hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính trong lĩnh vực hoặc vấn đề được phân công phụ trách.

Theo quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo thì quyết định hành chính là “Quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính”.

Quyết định hành chính nhà nước là một loại quyết định quản lý hành chính nhà nước chủ yếu do các chủ thể quản lý hành chính thực hiện nhằm giải quyết các công việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, nó là một quyết định manh tính chất dưới luật vì nó là quyết định hành chính dựa trên cơ sở của luật để thi hành luật. Tính dưới luật của quyết định hành chính thể hiện ở chỗ bản thân hoạt động quản lý là hoạt động chấp hành pháp luật và điều hành trên cơ sở của luật. Các quyết định này được ban hành trong hoạt động chấp hành và điều hành phải phù hợp với pháp luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên, nếu mâu thuẩn sẽ bị đình chỉ, sửa đổi hoặc bãi bỏ. Tính dưới luật không chỉ đặt ra đối với nội dung của quyết định quản lý hành chính nhà nước mà còn gắn liền với trình tự xây dựng, ban hành và hình thức thực hiện của quyết định quản lý hành chính nhà nước. Điều này cho thấy việc ban hành các quyết định quản lý hành chính nhà nước cần tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt. Tất cả các quyết định quản lý hành chính nhà nước điều được chuẩn bị, xây dựng, ban hành theo thủ tục nhất định do pháp luật quy định. Pháp luật đã quy định những cơ quan nào được ban hành những quyết định nào, ai có quyền xây dựng các quyết định, trật tự xây dựng, những biện pháp phải áp dụng, phải tham khảo ý kiến, bàn bạc với những ai khi xây dựng dự thảo quyết định, thời gian xây dựng và thảo luận,… Tóm lại, tất cả những yêu cầu về thủ tục ban hành đã được pháp luật dự liệu từ trước đó đều được chấp hành nghiêm chỉnh. Ngoài việc tuân theo một trình tự ban hành nghiêm ngặt, mỗi quyết định quản lý hành chính nhà nước đều được thể hiện dưới một hình thức nhất định do pháp luật quy định.

2.1.2 Đặc điểm 

Quyết định quản lý hành chính nhà nước là một quyết định mang đầy đủ tính chất của một quyết định pháp luật. Đó là tính ý chí, tính quyền lực và pháp lý.

Thứ nhất, tính ý chí: Trên cơ sở thẩm quyền của mình, do pháp luật quy định, các chủ thể được thể hiện ý chí thông qua hoạt động lập quy dưới hình thức văn bản, hoặc các hoạt động khác như: ban hành mệnh lệnh hành chính, kí hiệu hành chính… Đây là quyền quan trọng thể hiện ý chí đơn phương của mình thể hiện quyền lực công vì mục đích duy nhất của quyết định quản lý hành chính nhà nước là phục vụ cho lợi ích công và để thi hành pháp luật.

Thứ hai, tính quyền lực: Quyết định quản lý hành chính nhà nước luôn thể hiện rõ tính quyền lực nhà nước trên cơ sở ủy nhiệm của cơ quan lập pháp tối cao. Đó là thẩm quyền nhân danh các cơ quan nhà nước, các tổ chức được trao thẩm quyền hành chính nhà nước. Ngoài ra, điều này còn thể hiện ở tính đảm bảo thi hành, các chủ thể của quản lý hành chính được quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi cần thiết.

Thứ ba, tính pháp lý: Quyết định quản lý hành chính nhà nước là quyết định dưới luật. Quyết định quản lý hành chính nhà nước làm thay đổi, chấm dứt, quan hệ pháp luật hành chính. Một quyết định hành chính được ban hành có hiệu lực pháp luật thì các chủ thể trong quan hệ pháp luật đó phải nghiêm túc thi hành, nó có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các chủ thể.

Ngoài những đặc trưng chung là một quyết định pháp luật, quyết định hành chính là

đối tượng bị khiếu nại còn mang những đặc trưng riêng như sau13:

Về tính đơn phương: Khi ra các quyết định hành chính các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để ra quyết định một cách đơn phương theo ý chí của mình, không phụ thuộc vào việc chủ thể bị điều chỉnh trong quyết định, nó không phải là kết quả của sự thỏa thuận giữa chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý.

Tính chấp hành ngay: Mọi quyết định hành chính đều có hiệu lực chấp hành ngay. Tính chất này có giá trị đối với cơ quan nhà nước lẫn công dân. Đối với cơ quan nhà nước nếu cho phép công dân hưởng các quyền và lợi ích thì phải thực hiện để cho công dân thực hiện các quyền đó một cách hợp lý theo quyết định, còn đối với công dân chịu sự điều chỉnh thì phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước (nghĩa vụ), nếu mà họ không thực hiện những yêu cầu thì bị xử theo pháp luật quy định.

Quyết định hành chính được áp dụng một lần: Khác với quyết định quy phạm (được áp dụng nhiều lần) thì quyết định hành chính được áp dụng một lần, sau khi nghĩa vụ trong quyết định được thỏa mãn thực hiện xong thì nó không còn hiệu lực nữa, không thể áp dụng tiếp theo cho những trường hợp khác được, nếu có trường hợp khác tương tự thì phải ra quyết định mới không được sử dụng lại quyết định hành chính cho đối tượng này mà áp dụng cho đối tượng khác.

Quyết định hành chính chỉ có hiệu lực đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể: Một quyết định hành chính chỉ điều chỉnh một mối quan hệ pháp lý nhất định, nói cụ thể hơn là nó chỉ có giá trị pháp lý bắt buộc đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể mà thôi. Ví dụ, một người vượt đèn đỏ trong khi tham gia giao thông thì người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt đối với đối tượng đó mà thôi, quyết đinh đó nó chỉ có hiệu lực pháp luật bắt người vi phạm phải thực hiện, nếu có người khác vi phạm nữa thì ra quyết định khác chứ không thể lấy quyết định trước áp đặt cho người sau này.

Chỉ áp dụng đối với một vấn đề cụ thể: Quyết định hành chính không điều chỉnh cùng lúc nhiều vấn đề, mà chỉ điều chỉnh một vấn đề nhất định cụ thể nào đó. Từ những đặc điểm nói trên quyết định hành chính có vai trò quan trọng trong cơ chế điều chỉnh pháp luật cũng như trong các quan hệ xã hội hàng ngày.

Chi tiết xin liên hệ:

Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội

Điện thoại: 0866 222 823

Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com

Website: https://luatthaiduonghanoi.com / http://luatsugioivietnam.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi

Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội


Bài viết liên quan