Tội ghi lô số đề là một tệ nạn xã hội đã tồn tại rất lâu tại Việt Nam và bị pháp luật cấm. Tùy vào từng quy mô tổ chức mua số đề, bán bảng đề mà người phạm tội có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối mặt với mức án phạt tù khác nhau.
Theo Điều 322 của Bộ luật Hình sự 2015: Tổ chức đánh bạc được hiểu là hành vi chủ mưu rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác tham gia đánh bạc.
Xét về bản chất, hành vi ghi đề là tổ chức cho những người chơi tham gia đánh đề, nó được xem như một hành vi giúp sức của tội đánh bạc song có thêm dấu hiệu trục lợi.
Dựa vào bản chất có điểm tương đồng, như vậy, ghi lô, đề cũng được xác định là hành vi tổ chức đánh bạc.
Tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm, người tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi lô, đề có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc.
Mức phạt hành chính của tội ghi lô, số đề.
Theo Khoản 5 Điều 28, Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
Người thực hiện một trong các hành vi tổ chức đánh đề sau đây bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng:
– Làm chủ lô, đề
– Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề
– Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề.
Người thực hiện hành vi nêu trên còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hình phạt hình sự của tội ghi số, lô đề.
Theo điều 322 Bộ luật Hình sự 2015, tội ghi số, lô đề có các khung hình phạt như sau:
Khung 1: Phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu thuộc một trong các trường hợp.
– Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên hoặc tổ chức từ 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 05 triệu đồng trở lên.
– Sử dụng địa điểm thuộc sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 05 triệu đồng trở lên.
– Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần trị giá từ 20 triệu đồng trở lên.
– Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc.
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi đánh bạc hoặc đã bị kết án về tội này hoặc Tội đánh bạc, chưa được xóa án tích mà tái phạm.
Khung 2: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp.
– Có tính chất chuyên nghiệp.
– Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
– Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội.
– Tái phạm nguy hiểm.
Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
+ Người đánh đề có bị phạt không?
Tùy vào mức độ vi phạm, người tham gia chơi lô, đề có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc. Cụ thể:
– Theo khoản 1 Điều 28, Nghị định 144/2021/NĐ – CP , mức phạt hành chính với hành vi mua các số lô, số đề là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng.
– Nếu số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi lô, đề dùng để đánh bạc có trị giá trên 05 triệu đồng hoặc dưới 05 triệu nhưng đã bị phạt hành chính hay đã bị kết án về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc mà chưa được xóa án tích thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc. Theo đó, người chơi lô, đề bị truy cứu trách nhiệm về Tội đánh bạc có thể bị phạt tiền đến 100 triệu hoặc thậm chí là phạt tù đến 07 năm, căn cứ theo Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
+ Gửi tin nhắn đánh lô, đề qua điện thoại, zalo có bị coi là đánh bạc qua mạng?
Theo Công văn 196/TANDTC – PC do Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 04 tháng 9 năm 2018 về áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự do Tòa án nhân dân tối cao ban hành có quy định như sau:
– Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc).
– Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (Ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber…. để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa…) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì có thể thấy, việc nhắn tin qua điện thoại, zalo để đánh lô, đề, cá độ sẽ không bị truy tố về việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc vì việc ghi lô, đề, cá độ bằng cách ghi như vậy không tạo nên những chiếu bạc ăn thua tiền hoặc hiện vật trực tuyến.
Chi tiết xin liên hệ:
Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com / http://luatsugioivietnam.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội