CÔNG TY LUẬT TNHH
THÁI DƯƠNG FDI HÀ NỘI

Tư vấn Luật Đất đai

Có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có tranh chấp?

  • cal 31/10/2023

Năm 1989, bố mẹ tôi cho vợ chồng tôi 01 mảnh đất. Giấy tờ tặng cho đất đã được UBND xã lúc bấy giờ lập biên bản xác nhận trên giấy tờ tặng đất có đầy đủ chữ ký của bố mẹ tôi, vợ chồng tôi. Hiện nay trên mảnh đất này vợ chồng tôi đã xây nhà kiên cố và sinh sống ổn định từ năm 1989 cho đến nay. Theo bản đồ của chính quyền xã cũng xác nhận đây là đất của chúng tôi. Nhưng cuối năm 2019, khi vợ chồng tôi muốn xin chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hai em gái của tôi đã làm đơn yêu cầu ngăn cản lên UBND xã với lý do đất là do bố mẹ để lại. Trong buổi hoà giải tại xã, vợ chồng tôi đã cung cấp các giấy tờ pháp lý nhưng vẫn không chịu rút đơn. UBND xã có ý kiến: Nếu muốn tiếp tục ngăn chặn thì phải cung cấp tài liệu chứng minh cơ sở pháp lý cho việc ngăn chặn. Sáu tháng sau, vợ chồng tôi tiếp tục nộp hồ sơ thì lại có yêu cầu ngăn chặn khác và UBND xã xác nhận có tranh chấp trong hồ sơ nên cơ quan đăng ký đất đai đã trả lại hồ sơ. Đã 2 năm rồi mà tôi vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có tranh chấp đất đai không?

Theo quy định tại Điều 100 và Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất

… 2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất…

Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

… 2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…”

Căn cứ vào các quy định trên, dù là cấp giấy chứng nhận thuộc trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất hay cấp giấy chứng nhận đứng tên người khác kèm theo giấy tờ chuyển nhượng thì pháp luật quy định đất đai phải không là đối tượng đang tranh chấp.

Việc chị/em gái của bạn đưa tranh chấp ra UBND xã/huyện để hòa giải sẽ là nguyên nhân khiến cơ quan đăng ký đất đai không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bạn.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như thế nào?

Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định:

” Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

  1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
  2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
  3. a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
  4. b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”

Theo đó, căn cứ vào quy định nêu trên, nếu sau khi hòa giải mà vẫn không giải quyết được thì sẽ xác định theo quy định tại Điều 203 nêu trên để xác định cấp có thẩm quyền xử lý.

Chỉ khi bạn đã giải quyết xong tranh chấp thì cơ quan đăng ký đất đai mới có thể thực hiện các bước để cấp giấy chứng nhận cho bạn.

Nguyên tắc hòa giải trong tranh chấp đất đai là gì?

Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định nguyên tắc tiến hành hòa giải như sau:

“1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

2. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;

b) Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”

 

Chi tiết xin liên hệ:

Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội

Điện thoại: 0866 222 823

Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com

Website: https://luatthaiduonghanoi.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi

Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội


Bài viết liên quan