Thưa Luật sư, tôi và chồng tôi kết hôn năm 2015 có nhà đất là tài sản chung, chồng tôi có chuyển nhượng nhà đất đó cho một người khác nhưng bên bán trên giấy chuyển nhượng chỉ có thông tin và chữ ký tên của chồng tôi. Vì vậy tôi muốn hỏi Luật sư là hợp đồng chuyển nhượng này có thể bị vô hiệu không?
Theo nội dung chị cung cấp, Luật sư xin tư vấn như sau:
Tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật HNGĐ; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”
Như vậy, quyền sử dụng nhà đất vợ/chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ khi có thỏa thận khác.
Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định như sau:
– Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
– Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
+ Bất động sản;
+ Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
+ Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình
Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia trừ trường hợp yêu cầu thỏa thuận bằng văn bản nêu trên. Nếu vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung mà không có sự thỏa thuận bằng văn bản thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.
>> Như vậy nếu tài sản chung khi chuyển nhượng mà chỉ có chồng ký giấy chuyển nhượng, vợ không ký vào giấy chuyển nhượng và cũng không biết về việc chuyển nhượng đó thì có thể yêu cầu toà tuyên giao dịch vô hiệu.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Tòa án vẫn cộng nhận hợp đồng chuyển nhượng là có hiệu lực. Cụ thể áp dụng Án lệ 04/2016/AL về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
Tại đơn khởi kiện đề ngày 05-11-2007 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là bà Kiều Thị Tý trình bày:
Năm 1996, vợ chồng bà có mua 02 căn nhà cấp 4 trên diện tích đất thổ cư Khoảng 160m2 của gia đình ông Lê Văn Ngự tại xã Xuân La, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội (nay là Tổ 11, Cụm 2, phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Việc mua bán hai bên có lập hợp đồng, có ghi rõ những tài sản, nhà trên đất và các mặt tiếp giáp của thửa đất. Do vợ chồng bà chưa có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, nên chính quyền địa phương không xác nhận việc mua bán giữa gia đình bà và gia đình ông Ngự. Giá mua là 110 cây vàng, bà đã trả đủ cho vợ chồng ông Ngự và gia đình ông Ngự đã giao nhà, đất cho bà quản lý, sử dụng.
Sau khi mua bán nhà đất, gia đình ông Ngự xây nhà mới có mượn vợ chồng bà ngôi nhà (phía trong) để sử dụng và chứa nguyên vật liệu, còn diện tích nhà giáp mặt đường Xuân La bà đã cho cháu họ của bà ở nhờ để đi học. Khi gia đình ông Ngự làm nhà xong đã trả lại nhà, đất cho bà. Bà đã phá dỡ nhà cũ, tôn nền và xây nhà mới như hiện nay để các cháu ở nhờ; năm 2001, bà cho thuê làm xưởng mộc, sau đó bà không cho thuê nữa, đóng cửa không sử dụng.
Năm 2006 (sau khi bà nhập khẩu về Hà Nội), khi bà làm thủ tục xin cấp giấy tờ về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở thì vợ chồng ông Ngự đã gây khó khăn, vì cho rằng bà còn thiếu hơn 03 cây vàng và vợ chồng ông chỉ bán nhà, đất phía trong, còn nhà, đất giáp mặt đường Xuân La vẫn là nhà, đất của gia đình ông. Cuối năm 2006, ông Ngự đã tự ý phá cửa vào ở và xây một bức tường ngăn giữa phần mái hiên của căn nhà cấp 4 giáp mặt đường Xuân La (hiện nay đang cho người khác thuê làm cửa hàng cắt tóc). Bà đề nghị Tòa án buộc gia đình ông Ngự phải thực hiện đúng như hợp đồng đã ký kết và buộc gia đình ông Ngự trả nhà đất (phần diện tích mặt đường Xuân La).
“Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.”
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi dựa trên thông tin mà bạn cung cấp. Nếu có bất kỳ khó khăn hay thắc mắc gì liên quan đến nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và giải đáp.
Chi tiết xin liên hệ:
Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com / http://luatsugioivietnam.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội