Tranh chấp đất đai không rõ nguồn gốc là một vấn đề phức tạp có thể xảy ra trong lĩnh vực bất động sản. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cung cấp một hướng dẫn chi tiết về cách hòa giải và giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai khi nguồn gốc không rõ ràng. Chúng ta sẽ tìm hiểu về quy định pháp luật, quy trình hòa giải, và cách tìm kiếm giải pháp cho những tình huống này. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu cách áp dụng hòa giải để đạt được sự công bằng và thỏa thuận giữa các bên, thậm chí khi nguồn gốc của đất đai không rõ ràng.
Căn cứ theo Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; Điều 88, Điều 89, Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định trình tự giải quyết tranh chấp đất đai khi không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì các chủ thể liên quan đến tranh chấp có thể lựa chọn giải quyết thông qua hòa giải hoặc khởi kiện tại Tòa án.
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông quan hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tranh chấp để hòa giải.
Thứ nhất, khi được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.
Thứ hai, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Trước khi hòa giải phải có thành phần Hội đồng hòa giải gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn, ấp; Người có uy tín trong dòng họ, nơi ở sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; có thể mời người biết rõ vụ việc hay đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Trong cuộc họp hòa giải phải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thứ ba, chỉ khi các bên tranh chấp đều có mặt thì mới tiến hành hòa giải. Nếu trong buổi hòa giải được tiến hành mà một bên vắng mặt đến lần thứ hay thì được coi là việc hòa giải không thành.
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp và được lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Nội dung biên bản hòa giải phải có nội dung cơ bản sau: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thống nhất, không thống nhất.
Thứ tư, Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thống nhất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.
Đối với trường hợp thay đổi hiện trạng về ranh giới khi đã hòa giải thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau: gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Khi tranh chấp đất đai mà người sử dụng đất không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai sau đây:
– Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền
+ Đối với trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định pháp luật về tố tụng hành chính;
+ Đối với trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
– Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự để giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 1: Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
+ Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện
+ Tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ tại ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận xử lý hồ sơ đó phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định
Bước 3: Giải quyết yêu cầu tranh chấp đất đai
– Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết
– Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh cấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Bước 4: Kết quả giải quyết tranh chấp đất đai
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh cấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp.
Trường hợp các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khiếu nại lên Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định về tố tụng hành chính.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 91 tài liệu làm chứng cứ, chứng minh về đất đai trong quá trình giải quyết tranh chấp:
– Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra;
– Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho nhân khẩu tại địa phương;
– Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
– Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước
– Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Theo đó, việc giải quyết tranh chấp đất đai khi không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì chủ yếu phụ thuộc vào chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng do các bên tranh chấp đưa ra.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Người khỏi kiện nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nơi có đất đang xảy ra tranh chấp. Hồ sơ khởi kiện gồm có:
– Đơn khởi kiện tranh chấp đất đai
– Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;
– Giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất
– Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người khởi kiện (bản sao)
– Sổ hộ khẩu (bản sao)
– Các giấy tờ liên quan khác
Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện
Người khởi kiện có thể nộp trực tiếp, thông qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện từ qua Cổng thông tin điện tử của Toàn án (nếu có) đến tòa án nơi có đất tranh chấp
Bước 3: Thụ lý vụ án
Nộp hồ sơ khởi kiện đầy đủ, Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí nếu trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí; người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Trường hợp hồ sơ khởi kiện không đầy đủ, Thẩm phán thông báo để người khởi kiện được sửa đổi, bổ sung hồ sơ khởi kiện.
Bước 4: Chuẩn bị xét xử
Trong giai đoạn này, Tòa án tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự
– Trường hợp hòa giải thành thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo; kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
– Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành; Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Bước 5: Tòa án mở phiên tòa xét xử sơ thẩm
Trong trường hợp không đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án, trong thời hạn 15 ngày các bên có quyền kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực theo thủ tục phúc thẩm.
Chi tiết xin liên hệ: Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội