Thưa luật sư, xin hỏi: Ông bà Em để lại di chúc, có chữ ký cuối di chúc của cả Ông bà nhưng di chúc có 2 trang nên xảy ra tranh chấp vì các cô chú cho rằng trang đầu là giả mạo mặc dù đây là chữ viết của Ông. Vậy xin hỏi: Di chúc viết tay mà không ký từng trang thì có hợp pháp không? Di chúc viết tay do chính người để lại di chúc viết ra nhưng không ký trong từng trang hoặc quên không đánh số thứ tự có hợp pháp không?
Cảm ơn luật sư và mong nhận được sư tư vấn sớm!
Người hỏi: Thúy Mười (Bắc Ninh)
Trả lời:
Quy định của pháp luật nước ta về nội dung di chúc bằng văn bản qua các thời kỳ khác nhau.
– Điều 13 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định về nội dung bản di chúc:
“1. Trong bản di chúc phải ghi rõ: Ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi thường trú của người lập di chúc; họ, tên người được hưởng di sản; tên cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; tài sản, quyền về tài sản để lại cho người, cơ quan tổ chức được hưởng; nơi có tài sản đó. Nếu người lập di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế thì phải nêu rõ là giao cho ai, nghĩa vụ gì.
– Khoản 2 Điều 656 Bộ luật dân sự năm 1995, khoản 3 Điều 653 Bộ luật dân sự năm 2005 đều có quy định:
“Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang, thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”.
– Khoản 3 Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa”.
Như vậy, quy định di chúc phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ từng trang của người lập di chúc có hiệu lực từ khi Bộ luật dân sự năm 1995 có hiệu lực (ngày 01/7/1996). Xét về quy định của pháp luật, di chúc được lập trong thời kỳ quy định phải được đánh số thứ tự và ký hoặc điểm chỉ từng trang là bắt buộc thì di chúc nào không tuân theo quy định này là di chúc không hợp pháp.
Lưu ý:
– Thực tiễn cho thấy, trong trường hợp di chúc được lập trong thời kỳ quy định phải được đánh số thứ tự và ký hoặc điểm chỉ từng trang là bắt buộc nhưng di chúc đó không tuân thủ quy định này thì di chúc đó vẫn có giá trị để xác định chia di sản thừa kế khi tất cả các thừa kế đồng ý đều thừa nhận di chúc này (di chúc đó vẫn có hiệu lực).
– Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì có di chúc quy định di chúc phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ từng trang của người lập di chúc theo quy định tại Điều 631 (Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng – Điều 633, Di chúc bằng văn bản có người làm chứng – Điều 634) nhưng cũng có di chúc không quy định di chúc phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ từng trang của người lập di chúc theo quy định tại Điều 631 (Lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc ủy ban nhân dân cấp xã – Điều 636; Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực – Điều 638). Do vậy, để xác định di chúc có hợp pháp hay không hợp pháp thì phải xác định di chúc đó thuộc loại di chúc nào và quy định của pháp luật đối với từng loại di chúc đó.
Chú ý: di chúc có thể hợp pháp một phần khi phần đó đúng quy định của pháp luật.
Chi tiết liên hệ
Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.