(ĐCSVN) – Bạn đọc Trần Tuấn Minh, tại Đông Anh, thành phố Hà Nội, hỏi: Gia đình bên vợ tôi đang có tranh chấp đất đai liên quan tới thừa kế. Vậy, tranh chấp này có phải hòa giải không và cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?
Những trường hợp tranh chấp về công nhận/bác bỏ, tranh chấp quyền sử dụng đất, ranh giới, ngõ đi… là những trường hợp buộc phải tiến hành hòa giải trước khi khởi kiện ra Tòa án.
Việc hòa giải tranh chấp đất đai được ghi nhận tại Điều 202 Mục 2 Chương XIII Luật Đất đai 2013 (Số: 45/2013/QH13, ngày 29 tháng 11 năm 2013) và Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
Nhà nước đặt ra một chính sách khuyến khích mọi bên liên quan đến tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết mâu thuẫn thông qua hòa giải tại cơ sở. Đây là một biện pháp hữu ích để giảm thiểu căng thẳng và đảm bảo giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả. Tuy nhiên, nếu việc hòa giải tại cấp cơ sở không thành công, các bên tranh chấp có quyền gửi đơn đến Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi tranh chấp diễn ra để xin giúp đỡ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã phải đảm bảo tổ chức quá trình hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương của mình. Điều này đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cùng với các tổ chức xã hội khác.
Chính sách này không chỉ giúp giảm bớt áp lực và xuyên suốt quá trình hòa giải tranh chấp đất đai mà còn khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội để đảm bảo quy trình hòa giải diễn ra một cách công bằng và trong môi trường thân thiện.
Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban Nhân dân cấp xã được tiến hành theo quy trình mà không vượt quá thời hạn 45 ngày, bắt đầu từ ngày Ủy ban nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Quá trình hòa giải đòi hỏi việc lập biên bản, đánh dấu bằng chữ ký của tất cả các bên liên quan, và phải có xác nhận về việc hòa giải thành công hoặc không thành công từ phía Ủy ban Nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải sau đó sẽ được gửi đến tất cả các bên trong tranh chấp, và được lưu trữ tại Ủy ban Nhân dân cấp xã, nơi mà cuộc tranh chấp diễn ra.
Trong trường hợp nơi đó có sự thay đổi về ranh giới hoặc về quyền sử dụng đất, Ủy ban Nhân dân cấp xã sẽ gửi biên bản hòa giải đến cơ quan Phòng Tài nguyên và Môi trường nếu tranh chấp liên quan đến hộ gia đình, cá nhân hoặc cộng đồng dân cư. Trong các trường hợp tranh chấp khác, biên bản hòa giải sẽ được gửi đến cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường để tiếp tục xem xét và thực hiện theo quy định.
Cơ quan Phòng Tài nguyên và Môi trường, cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ trách nhiệm với Ủy ban Nhân dân cấp xã trong việc đưa ra quyết định về việc thay đổi ranh giới của thửa đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, và các tài sản khác liên quan đến đất.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo Khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, trong trường hợp tranh chấp liên quan đến việc xác định người nắm quyền sử dụng đất và chưa được hòa giải tại Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn, như đã quy định tại Điều 202 của Luật Đất đai năm 2013, đối tượng này sẽ không có đủ điều kiện để khởi kiện theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
Như vậy, tranh chấp thừa kế đất đai hay còn gọi là tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất vì không phải là tranh chấp đất đai.
Do đó, khi xảy ra tranh chấp thừa kế đất đai các bên tranh chấp có quyền gửi đơn khởi kiện luôn đến Tòa án Nhân dân theo quy định.
Theo quy định tại Điều 203 Mục 2 Chương XIII Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban Nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án Nhân dân giải quyết;
Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án Nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án Nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án Nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành./.
Chi tiết xin liên hệ: Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội